Kinh tế chính trị

Kỹ thuật gieo mạ và chăm sóc mạ vụ Xuân năm 2025
Ngày đăng 08/01/2025 | 03:47  | Lượt truy cập: 67

Hiện nay, trên địa bàn huyện nông dân đã bắt đầu gieo mạ vụ xuân năm 2025. Tính đến ngày 01/01/2025, toàn huyện đã gieo được 14 ha, tập trung tại các xã như: Tân Dân, Minh Trí…Theo trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sản xuất nông nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng của thời thiết bất thuận, các đợt không khí lạnh, rét đậm sẽ tiếp tục xuất hiện trong tháng 1 và tháng 2. Rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây mạ và lúa mới gieo cấy.

Để cây mạ sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo mạ cấy hết diện tích theo kế hoạch và đúng khung thời vụ, là tiền đề để đảm bảo cho lúa xuân đạt năng suất cao. 

1. Kỹ thuật gieo mạ

- Đối với trà xuân chính vụ: Thời gian gieo mạ từ 09 - 19/01/2025

Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 135 – 140 ngày, các giống chủ lực là J02, BT7,....

- Đối với trà xuân muộn: Thời gian gieo mạ từ 24/01 - 03/02/2025

Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng từ 120 – 125 ngày, các giống chủ lực là TBR225, HDT10, QR15, HD11, VNR20,...

- Gieo sạ từ ngày 14-20/02/2025

Ngoài ra cần chuẩn bị nguồn giống lúa dự phòng để gieo mạ hoặc gieo thẳng, gieo sạ kịp thời nếu rét kéo dài gây thiếu mạ.

2. Làm đất

          Ruộng gieo mạ bằng phẳng, cày, bừa kỹ, nhuyễn bùn, sạch cỏ dại; mặt luống phẳng, rộng 1,2 - 1,4 m, cao 10 - 25 cm, rãnh rộng 30 - 40 cm, dễ thoát nước, chăm sóc cho mạ.

          Bố trí gieo mạ thành vùng tập trung để thuận tiện trong chăm sóc, tưới tiêu và quản lý ruộng mạ.

3. Phân bón

- Lượng bón cho 01 sào Bắc Bộ (360 m2): 400 - 500 kg phân chuồng ủ hoai mục; 10 - 15kg super lân. (Lưu ý: Tuyệt đối không dùng phân đạm, phân NPK, và các loại phân bón khác bón lót cho mạ xuân).

- Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân trước khi bừa lần cuối.

4. Gieo mạ, chăm sóc mạ

Xử lý hạt giống, ngâm, ủ hạt giống theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên vỏ bao bì đựng hạt giống.

Gieo mạ theo phương thức mạ dược, mạ sân là chủ yếu, khuyến khích áp dụng gieo mạ khay, cấy máy.

- Lượng giống gieo trung bình từ 20-25 kg/sào (tương đương 0,05-0,07kg thóc giống/m2), tương đương với tỷ lệ cấy 1 mạ/20 - 25 diện tích cấy.

- Nên gieo mạ nên vào buổi trưa trời ấm, khi nhiệt độ không khí trên 150C; chia mống mạ ném làm 2 - 3 lần cho đều, ném úp tay để mống chìm sâu (kín hạt) vào đất. Sau khi gieo xong tiến hành che phủ nilon ngay.

- Chăm sóc mạ: Luôn giữ cho mạ đủ ấm, ẩm (ẩm độ 85 - 90%), không giữ nước trên mặt luống.

5. Kỹ thuật che phủ nilon chống rét cho mạ

- Dùng dây thép phi 6 – 8 hoặc thanh tre, nứa cật vót mỏng 1 cm, rộng 2 cm, dài 2 - 2,2 m đủ làm khung cho luống mạ rộng 1,2 m, cứ 1 - 1,5 m chiều dài luống cắm 1 thanh làm vòm khung. Sau đó, lấy 1 thanh tre dài hoặc dây nilon buộc liên kết các vòm ở phần đỉnh, hai bên hông làm toàn bộ khung có kết cấu vững chắc, gặp gió mạnh cũng không bị gẫy đổ.

- Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống mạ trên khung vòm, đỉnh khung cách mặt luống mạ 0,4 - 0,7m. Nilon được kéo lợp kín cả hai đầu vòm, hai bên mép nilon được đè chèn bằng bùn ở hai bên rãnh luống tạo thành một buồng kín trong vòng 1 tuần đầu.

Chú ý: Trong thời gian che nilon cho mạ, nếu gặp trời nồm, nhiệt độ ngoài trời tăng đột ngột trên 20 oC, cần phải mở hai đầu nilon vào ban ngày để thoát hơi nước, tránh cho mạ bị cháy lá do nhiệt độ tăng cao đột ngột, đêm giá lạnh lại tiếp tục đậy nilon lại. Luôn giữ ẩm trên bề mặt luống để cây mạ phát triển tốt.

- Trước khi cấy 3 - 5 ngày nên mở dần nilon (mở 2 đầu nilon 1 - 2 ngày sau 2 - 3 ngày thì mở hết) cho mạ làm quen với nhiệt độ môi trường bên ngoài mới đem cấy.

- Che nilon đúng cách không những giúp cho mạ chống rét mà còn chống được chim, chuột và gia cầm phá hại. Những ngày rét đậm, rét hại nếu che được nilon, nhiệt độ bên trong luống mạ sẽ luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 3 - 4oC, giúp cho cây mạ có điều kiện thuận lợi để sinh trưởng.

- Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng trong ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom nilon sau khi sử dụng tránh gây ô nhiễm môi trường.

 

* Những lưu ý khi che nilon không đúng cách

- Nếu che nilon không đúng cách như dùng nilon màu, bẩn làm cho cây mạ thiếu ánh sáng, sinh trưởng kém…; mạ yếu dễ bị nấm bệnh hại tấn công. Che nilon rách, thủng sẽ thoát nhiệt bên trong luống mạ ra môi trường bên ngoài, làm cân bằng nhiệt độ trong và ngoài nilon.

- Nếu che nilon dạng “bệt” như trải chiếu trên bề mặt luống mạ, gặp rét dậm, rét hại đọng sương trên bề mặt nilon bị trũng, nước sương giá lạnh sẽ làm mạ bị héo chết loang lổ, lá mạ sinh trưởng lướt, yếu. Khi trời ấm, nhiệt độ ngoài trời trên 25oC, ngọn lá mạ sẽ bị cháy vàng úa do nhiệt độ tăng cao đột ngột.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Thực hiện tốt chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng dịch hại như: chuột, bệnh đạo ôn lá, bọ trĩ, ốc bươu vàng, bọ rầy, …. 
Thông báo Kế hoạch trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại rừng phòng hộ
Ngày đăng 04/01/2025 | 08:06  | Lượt truy cập: 39
Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn thực hiện một số biện pháp chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt vụ mùa năm 2024
Ngày đăng 05/09/2024 | 10:20  | Lượt truy cập: 62
Hương dẫn các biện pháp phòng chống mưa lũ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Ngày đăng 26/07/2024 | 01:18  | Lượt truy cập: 77
Hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo cấy vụ mùa năm 2024
Ngày đăng 26/06/2024 | 03:38  | Lượt truy cập: 123

Bản đồ hành chính