Kinh tế chính trị

Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn thông báo Tình hình sâu bệnh hại lúa và biện pháp phòng trừ
Ngày đăng 25/04/2024 | 10:39  | Lượt truy cập: 62

Hiện nay trên đồng ruộng, trà lúa xuân chính vụ đang giai đoạn làm đòng – trỗ bông, trà xuân muộn đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - phân hóa đòng, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Trận mưa giông đêm 20/4/2024 đã tạo ra các vết thương cơ giới trên lá lúa, đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh lây lan và gây hại. Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới, thời tiết tiếp tục ấm, ẩm, kèm theo mưa rào và giông là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu, bệnh phát sinh, lây lan và gây hại trên cây lúa.

Tình hình sinh vật hại lúa.

- Bệnh đạo ôn lá: Đã phát sinh và gây hại trên một số giống nhiễm như: TBR225, J02, BC15, nếp thơm…tỷ lệ trung bình 3 – 5% số lá, cao 10 – 15% số lá, cục bộ 20-30% số lá cấp 1, 3,5. (các xã có diện tích nhiễm như: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Tân Minh, Tân Hưng, Quang Tiến …).

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ hại trung bình 5 – 7% số dảnh, cao 15 – 20% dảnh cấp 1, 3, 5. Bệnh sẽ tiếp tục hại tăng từ nay đến cuối vụ.

- Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Tỷ lệ hại trung bình 1-2% số lá, cao 5 – 7% số lá; cục bộ 10 – 15% số lá, cấp 1 – 3. Bệnh tiếp tục hại tăng sau các đợt mưa giông.

- Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ đã vũ hóa và đẻ trứng trên đồng ruộng, mật độ Trưởng thành trung bình 1 – 2 con/m2, cao 5 - 7 con/m2. Mật độ trứng trung bình 5 – 10 quả/m2, cao 20 – 30 quả/m2, cục bộ 50 - 70 quả/m2. Dự kiến sâu non nở rộ từ 28/4/2024 - 05/5/2024, sẽ gây hại mạnh trên trà lúa xuân chính vụ giai đoạn làm đòng - thấp thoi trỗ, trỗ thoát và trên trà lúa xuân muộn giai đoạn đứng cái – phân hóa đòng nếu không được phòng trừ kịp thời.

- Sâu đục thân 2 chấm: Trưởng thành sâu đục thân vũ hóa và đẻ trứng trên cây lúa. Mật độ ổ trứng trung bình <0,05 ổ/m2; cao 0,1 – 0,2 ổ/m2. Sâu non sẽ nở rộ và gây bông bạc trên trà lúa chính vụ; gây dảnh héo trên trà lúa xuân muộn.

- Ngoài ra, còn có các đối tượng sâu bệnh hại khác như: Chuột, bọ rầy, bệnh lem lép hạt, ... xuất hiện và gây hại rải rác.

Biện pháp phòng trừ

1. Đề nghị bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa, giống lúa và xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh trên từng trà lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

2. Đối với bệnh đạo ôn: Chú ý những diện tích lúa đang giai đoạn đòng già – trỗ bông, những diện tích bị đạo ôn lá gây hại, các giống nhiễm như: TBR225, J02, BC15, nếp thơm… .Phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông ở những diện tích lúa có >1% số lá đòng hoặc cổ áo lá áp đòng bị bệnh, phun khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ được từ 1 - 3% số bông) bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu trừ đạo ôn có chứa hoạt chất Tricyclazole, Propiconazole, Isoprothiolane, ... (Filia525 SE, Bump gold 40SE, Beam 75WP, Ninja 35EC, Bamy 75WP, Bankan 600WP,...).

3. Đối bệnh khô vằn: Phun phòng trừ những diện tích có tỷ lệ bệnh >20% dảnh bằng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Hexaconarole, Difenoconazole, .... (Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Annongvin50SC, .....).

4. Đối với bệnh bạc lá – đốm sọc vi khuẩn: những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh cần dừng bón tất cả các loại phân, giữ nước thường xuyên trên ruộng để tăng khả năng chống chịu của cây. Phun phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện hoặc ngay sau khi mưa giông kết thúc bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Bismerthiazol, Copper, Oxychloride, Bronopol,…như: Xanthomix 20WP, Riazor 215WP, New Kasuran 16.6WP, Sasumi 70WP, Totan 200WP, Reward 775 WP…

5. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tổ chức phòng trừ những diện tích có mật độ sâu non >20 con/m2  khi sâu ở tuổi 1, 2 bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Alpha-cypermethrin, IndoxacarbIsocycloseram ... như Incipio 200SC, Voliam Targo 063SC, Virtako 40WG, Prevathon® 5SC, Sapen-Alpha 5EC, Vifast 5EC, Map dona 265EC, Ebato 160SC,....

6. Đối với sâu đục thân: tổ chức phòng trừ những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 0,3 ổ/m2; bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Cartap, … như: Incipio 200SC, Voliam Targo 063SC, Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Paxtox 95SP, Gà Nòi 95SP,...

Chú ý: - Phun đủ 25 - 30 lít nước thuốc đã pha/sào; nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

 - Tuyệt đối không được dùng ống phụt để phun thuốc BVTV cho lúa.

 - Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát. Những diện tích lúa đang trỗ nên phun thuốc vào chiều mát để không ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của hoa lúa./.

Bản đồ hành chính